top of page

Ròm - món ăn chuẩn Việt 5 sao thiếu muối

Phải chạy đề từ nhỏ nuôi thân, cậu bé mồ côi, ốm yếu Ròm phải đối mặt với cuộc sống bần cùng nghèo khổ với 1 hy vọng mong manh vào những con số may mắn được sổ vào 4h30 chiều hàng ngày.

I. The good - món ăn chuẩn Việt 5 sao


Điểm sáng nhất của Ròm chắc chắn là độ đầu tư về mặt hình ảnh. Đoàn phim đã cố gắng làm Ròm chân thật nhất có thể: quay ở bối cảnh thật, giản dị, gần gũi, được đánh sáng phần lớn bởi ông mặt trời và đoàn còn đợi mưa thay vì dùng máy tạo mưa... Ngay cả những cảnh đánh nhau cũng là thật và không dùng cascadeur hoặc các chiêu trò góc máy để cắt ghép. Phương châm thực đến từng cú máy này đã đem lại 1 cái feel rất riêng cho bộ phim, giúp khắc họa bức tranh rõ nét về cuộc sống khó khăn của những con người ở tầng lớp nghèo khổ nhất xã hội mà người có tiền đi xem phim rạp như chúng ta đôi khi quên mất. Bức tranh không đẹp 1 cách hoa mỹ, mà nó đẹp 1 cách đời thường - đúng kiểu trình bày của 1 món ăn Việt 5 sao.

Góc quay rất đẹp nhưng vẫn chả hiểu sao cứ phải dutch angle...

Ngoài hình thức thì bộ phim, hay món ăn, cần có những nốt thăng trầm để tạo nên sự phức tạp, sâu sắc. Ròm có tất cả các cung bậc cảm xúc, người xem buồn khi Ròm thất bại, vui khi Ròm chiến thắng và phẫn nộ khi cái xã hội ngu ngốc cứ tìm hết cách này đến cách khác để dìm Ròm xuống. Những nốt thăng rất thăng và những nốt trầm cũng rất trầm.


II. The bad - món ăn thiếu muối

Có 1 câu chuyện ngụ ngôn về một anh đầu bếp và dĩa thịt hổ mà mình nghĩ rất hợp với phim này. Tương truyền rằng ở 1 vương quốc nọ có 1 ông vua đã cho xử tử 1 anh đầu bếp khi anh bảo "secret ingredient" để cho món thịt hổ ngon là muối - 1 thứ gia vị đơn giản và tầm thường. Bẵng đi 1 thời gian, em trai anh lên chức đầu bếp của cung và quyết định không nêm muối vào các món ăn. Từ đó, vua nhận ra được sự quan trọng của những thứ bình dị, cơ bản nhưng cần thiết. Câu chuyện của chúng ta đến đây là hết rồi.


Vậy muối của phim là gì? Có thể 1 số người sẽ không đồng tình với mình nhưng muối là logical consequences - hậu quả hợp lý.

Trên hành trình đạt được ước mơ, nhân vật (chính) sẽ liên tục đối diện với những lựa chọn khác nhau. Những thể loại như tâm lý xã hội hay drama, những lựa chọn này sẽ rất khó khăn, càng khó càng tốt (khác với phim hành động hay siêu anh hùng thì lựa chọn bảo vệ Trái Đất là hiển nhiên). Sau những lựa chọn, xung đột sẽ xảy ra và nhân vật phải đối diện với hậu quả để lại. Lựa chọn càng táo bạo, xung đột càng kinh khủng, hậu quả càng lớn. Lựa chọn, xung đột, hậu quả được xây dựng càng hợp lý thì phim càng hay.

Suspension of disbelief là 1 trick phổ biến của điện ảnh. Nhưng khi có quá nhiều chi tiết phi logic thì khán giả rất dễ bị mất kết nối với phim.

Có rất nhiều ví dụ trong phim nhưng mình sẽ chỉ highlight mối quan hệ giữa Ròm và Phúc. Xung đột đầu tiên bắt đầu lúc Ròm giật đề của Phúc. Phúc liền rượt theo Ròm. Cả 2 có màn đuổi bắt căng thẳng được quay rất trau chuốt, ngay lập tức thu hút người xem. Nhưng khi bắt được Ròm, Phúc chả làm gì cả? Phúc sau đó dụ Ròm lên ghe rồi đẩy xuống sông. Khi được cứu lên thì Ròm chả làm gì cả? Đỉnh điểm của mối quan hệ này là Phúc đánh Ròm đến bất tỉnh, trói Ròm bỏ vào 1 xó, cướp đề của toàn bộ chung cư - những người Ròm quý nhất và đang tin tưởng Ròm, khiến cả khu đổ nợ dẫn đến bị xã hội đen đốt nhà tập thể, vô tình có mặt trong nhà Ròm lúc Ròm mất tất cả số tiền tiết kiệm... và Ròm vẫn chơi với Phúc như chưa từng có giây phút lìa xa. Điểm thiếu logic này được "bảo vệ" bởi nhiều luận điểm cũng chả logic kiểu "đời là vậy" hoặc "không chơi thì chơi với ai". Có cả trăm ngàn phim đời thường khác không hề thiếu logic. Và đúng là ngoài đời có nhiều mối quan hệ toxic nhưng ít nhất họ cũng (lâu lâu) cho nhau 1 câu xin lỗi hoặc 1 cử chỉ ăn năn (dù giả tạo hay thật lòng). Điểm đáng buồn là những lỗi này đã có thể được khắc phục rất đơn giản nếu kịch bản thêm vào những cảnh set-up đơn giản cho mối quan hệ kì lạ này.


Ngoài ra, Ròm không có mục tiêu rõ ràng cũng ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng bộ phim. Người xem biết Ròm cần kiếm tiền, nhưng trong bao lâu phải kiếm được bao nhiêu tiền để làm gì thì Chúa biết. Ok bộ phim rất "đời thường", nghèo thì kiếm tiền là chuyện dễ hiểu có gì đâu bắt bẻ? Tại sao phim phải cần mục tiêu rõ ràng?


+ Trường hợp 1: Ròm chạy đề kiếm được X tiền/lần, sau Y thời gian cậu để dành được Z tiền nhưng cậu cần A tiền để tìm mẹ.

+ Trường hợp 2: Ròm cần 10 triệu để kiếm mẹ, mỗi lần cậu chạy được 50k-200k và suốt 8 năm làm nghề đã để dành được 9 triệu hơn.

--> Hỏi khi Ròm mất tiền, khán giả sẽ buồn hơn cho phiên bản nào? Khi không có mục tiêu rõ ràng thì mỗi tình huống chiến thắng hay vấp ngã đều bị giảm độ hay ho.


III. The extra - PR quá lố

Mình nghĩ đội ngũ marketing cho Ròm đã đóng góp đến 80% doanh thu cho bộ phim 1 tỉ USD này. Quảng cáo Ròm không thực sự nói láo nhưng đánh tráo khá nhiều khái niệm.

Khá khó chịu khi chiêu mình hay xài bị xài lên mình...
  • Phim được LÀM trong "8 năm" nhưng thời gian quay thực tế chỉ 80-90 ngày, bằng với 1 phim ra rạp bình thường tại Việt Nam.

  • Đoàn phim lên báo liên tục kể khổ trong khi được chống lưng bởi HKFilm - hãng phim lớn nhất Việt Nam. Nội thiết bị do HK hỗ trợ đã là 1 thứ xa xỉ mà các nhà làm phim indie khác chỉ có mơ tới, chưa nói tới CGV hỗ trợ đưa phim qua khâu kiểm duyệt.

  • Phim bị cấm chiếu chắc là nhiều yếu tố gây sốc lắm... Cũng đúng nhưng lý do chính bị cấm chiếu là dám đưa phim đi thi trước khi quả cửa kiểm duyệt.

  • Phim bị cắt nhiều lắm mới được chiếu. Một bộ phim có cốt truyện hay thì cắt hay không vẫn hay, và ngược lại. BvS extended cut là 1 ví dụ - phim dài hơn bản ra rạp cũng chả hay hơn. Deadpool bị cắt rất nhiều shot bắn xuyên não, sex nude lố lăng nhưng vẫn hay. Phim càng dở càng dựa vào những yếu tố gây sốc.

  • Phim thắng giải lớn nhất của Busan... nhưng thực tế giải chỉ dành cho những đạo diễn mới vào nghề... Chưa kể các giải phim lớn nhỏ đều bị ảnh hưởng lớn từ chính trị.

  • Fan cuồng của Ròm càng làm cho bộ phim tệ hơn khi cố bảo vệ nó bằng những luận điểm nửa vời, thiếu logic.

---


Ròm là 1 bộ phim mình thực sự ghét. Đây là việc rất hiếm và khó xảy ra. Mình luôn ủng hộ phim Việt (những phim làm đàng hoàng). Mình cũng từng xem rất nhiều phim dở tệ nhưng vẫn không bao giờ ghét. Ròm là 1 ngoại lệ vì sự thành công của phim có tiềm năng phá hoại cả 5 năm điện ảnh Việt Nam sắp tới. Ròm thành công dựa vào PR quá xuất sắc chứ không phải thực lực, điều này sẽ dẫn đến những người làm phim khác hoặc những nhà đầu tư phim có cái nhìn lệch lạc cho tác phẩm của mình.


Tóm lại, mình cho bộ phim "Bạn nên bỏ tiền xem nếu bạn không quan tâm đến vận mệnh của nền điện ảnh Việt Nam" - rating.


Quanny Nguyen

Comments


© 2021 by Quanny Nguyen.

  • Facebook - Black Circle
  • Twitter - Black Circle
  • Google+ - Black Circle
bottom of page