Bài Học Kinh Doanh Từ Avengers - End Game
- Quanny Nguyen
- Apr 28, 2019
- 3 min read
Updated: Apr 29, 2019
Thật khó để xem xong Avengers End Game mà không viết về Avengers End Game. Kết thúc hoành tráng của một hành trình với đầy đủ cảm xúc: hài hước, hồi hộp, cảm động… Hôm nay, mình có hơi rảnh (quá) nên muốn viết 1 bài, không phải để review cũng không phải là phân tích tình huống hay tìm tòi easter eggs (những bài đã có khá nhiều trên mạng). Hôm nay mình muốn viết về tam giác nhân tài – cách các doanh nghiệp (đặc biệt là start-up) thành công.

Một doanh nghiệp thành công cần có cả 3 thành phần: The crazy, the business và the nerd. Đây là điều mình học được từ nhân viên của một công ty chuyên đầu tư vào start-up tiềm năng trên toàn thế giới. Vậy trong End Game, ai là the crazy, the business và the nerd?
Ant-man (Scott Lang) chính là the crazy. The crazy là những nhà sáng tạo với những ý tưởng điên rồ. Trước khi Scott xuất hiện, cả team đã trong tư thế bỏ cuộc khi “trả thù” không còn giải quyết được vấn đề nữa. Chính ý tưởng du hành thời gian điên rồ không ai nghĩ ra lại là thứ kéo cả team trở lại. Một ý tưởng sáng tạo có tác động lớn đến cả một ngành công nghiệp, cả đất nước hoặc ít lắm là chính doanh nghiệp đó. Quả thật, ý tưởng của Scott có tác động khổng lồ: cứu được hàng tỷ tỷ người. Một số ví dụ ý tưởng lớn thành công trong kinh doanh có thể nói tới như Facebook, Uber hay Megastar ở Việt Nam… Nhưng chỉ có ý tưởng thì không đủ, thực hiện được ý tưởng mới là chuyện quan trọng. Đây là lý do cần có 2 đối tượng kia: the business và the nerd.

The business, nghe tên không cũng biết là dân kinh tế, nghiêng về tiền bạc: vốn cần bao nhiêu, bao lâu hòa vốn… Nhắc tới tiền chắc Ironman là người đầu tiên các bạn nghĩ. Nhưng trong case lần này thì Captain America – Steve Rogers mới là the business. Không chỉ lo tài chính, một businessman giỏi còn phải kiêm luôn khoản tìm kiếm đối tác chiến lược và những nhân tài chủ chốt cho công ty (human resource cũng là "tiền"). Steve là người đầu tiên tin tưởng Scott (và cũng là người đầu tiên Scott chia sẻ ý tưởng) và chủ động tìm kiếm nhân tài để hiện thực hóa ý tưởng. Steve vừa deal được với the nerd (thành phần chủ chốt còn lại) vừa tập hợp đủ người để triển khai “Time Heist” lại còn có chiến lược chia team tấn công phù hợp. CEO của các công ty lớn thường là the business và Steve có đầy đủ yếu tố của 1 nhà lãnh đạo.

Cuối cùng là the nerd – Ironman. The nerd là những nhà nghiên cứu, là fan cuồng kiến thức, những người có tài năng và đam mê vô tận cho ngành họ thích. The nerd phải luôn là người giỏi nhất trong lĩnh vực của công ty. Nếu công ty liên quan nhiều đến công nghệ thì phải giỏi tech. Nếu công ty buôn bán nhà thì phải giỏi tìm hiểu nghiên cứu thị trường bất động sản... Trong một công ty thì the nerd là người xây dựng nên cái cốt lõi mà the crazy mong muốn. YouTube muốn trở thành nền tảng Video hàng đầu thì phải có lượng băng thông đủ lớn để chứa đống người dùng đó. Google muốn thành search engine hàng đầu thì phải có thuật toán phù hợp… Người ta hay có cụm từ “làm không tới” khi đánh giá một cái gì đó nghe có vẻ hay nhưng thực tế rất dở. Đó là kết quả của một công ty không có the nerd hoặc không có đúng the nerd cần thiết. Về tech thì Tony khỏi bàn, build được cả time machine GPS trong một đêm, biến suy nghĩ của Scott thành sự thật.

Qua hình ảnh bộ 3 Steve – Scott – Tony, Marvel (dù cố tình hay vô tình) đã dạy chúng ta một bài học kinh doanh quý giá. Để start-up của bạn thành công, hãy xác định mình là ai trong 3 trụ cột này: the crazy, the business hay the nerd. Sau đó, tìm cho mình 2 người còn lại, hoặc nếu có thể, thì bạn hãy tự học những kỹ năng cần thiết và kiêm luôn cả 3 vị trí. Chắc ăn nhất vẫn là tìm 2 người khác vì Thanos ôm hết cả 3 vị trí mà cuối cùng lại thua…

Quanny Nguyen
Commentaires