Nhận Ra Gì Sau Khi Xem Phim Mình Không Thích Hai Lần?
- Quanny Nguyen
- Jul 16, 2019
- 4 min read
Updated: Jul 17, 2019
Hôm nay mình xem lại Ký Sinh Trùng - một phim mình hoàn toàn không thích. Chi vậy ta?

Mình sống có vẻ không đủ sâu nên thấy Ký Sinh Trùng là một bộ phim dừng lại ở mức "được", có những điểm hay và dở nhất định. Cũng sợ người đời chê cười khả năng cảm thụ nghệ thuật cộng với dạo này có nhiều tình huống thử thách độ tin tưởng vào bản thân, mình đã quyết định đi xem lại (đương nhiên là sau khi xem cả đống review, hidden meaning, things you might have missed các kiểu trên mạng). Vậy, mình đã học (thêm) được gì sau khi xem lại phim mình không thích?
I. Logic vẫn quan trọng
Background mình là biên kịch nên đây luôn là yếu tố mình đánh giá đầu tiên. Một kịch bản hay cần phải truyền tải được những thông điệp độc đáo và ý nghĩa một cách kịch tính và mới lạ.
Ký Sinh Trùng đạt được tất cả những chỉ tiêu trên. Thông điệp những con người "dưới đáy xã hội" vẫn có thể "cộng sinh" được với những vật chủ rõ ràng là cao cấp hơn nhưng vẫn vô vàn khuyết điểm là một thông điệp mới (đối với mình) và nó cũng được thể hiện vô cùng kịch tính. Để làm được điều đó, đáng tiếc, đạo diễn đã phải hy sinh sự logic. Sau đây là 2 ví dụ mình nghĩ ra ngay khi xem phim:
- Đây là một gia đình rất... tự mâu thuẫn. Ông anh rất giỏi tiếng Anh vì... thi lại nhiều lần? Vậy một anh chàng đập vỡ 80 quả trứng liên tục có thể trở thành đầu bếp? Ông bố bo cua êm tới mức Giám đốc một công ty lớn còn phải trầm trồ nhưng lại không thể tự kiếm việc? Bà vợ có khả năng tìm công thức và nấu ngay lập tức một món ăn mới trong vòng 8 phút (với trạng thái siêu hoảng loạn) lại phải ở nhà gấp hộp? Đạo diễn đã dùng "tài năng" của gia đình để phản ánh thực trạng xã hội: "còn trẻ và có bằng mới quan trọng, trừ khi bạn được người quen giới thiệu". Đây là một vấn đề hay nhưng rõ ràng đạo diễn đã hy sinh rất nhiều logic cho việc này. (Chưa bàn tới cô em gái có khả năng siêu nhân bắt đứa nhóc ngồi yên trong 1 buổi...)
- Hòn đá... kỳ quặc. Hòn đá là trung tâm của câu chuyện. Nó là nơi mọi thứ bắt đầu và kết thúc. Gia đình nổi lên nhờ hòn đá và cũng hòn đá đã bắt đầu chuỗi sự kiện khiến gia đình tan hoang. Mình sẽ không giả bộ hiểu tất cả thông điệp liên quan đến hòn đá, nhưng có 1 điều mình biết là: đá không nổi trên mặt nước. Khi nhà bị lụt, ông anh bỗng thấy hòn đá này gần như nổi trên mặt nước. Một số chuyên gia phân tích rằng đây là đá giả, để gắn gửi thông điệp về sự ngây thơ (có phần ngu ngốc) của những người nghèo trước lời nói và quà tặng của những người giàu hơn. Nhưng chỉ sau đó vài phút, người đàn ông dưới hầm lại dùng chính cục đá này đập đầu ông anh... Mình khá chắc chắn là trên thế giới không có chất liệu nào vừa nổi trên mặt nước vừa có thể phang người khác chấn thương sọ não...

Trong điện ảnh có khái niệm: Suspend of disbelief. Cơ bản là: người xem phim sẽ tạm gác những nghi ngờ của mình (về tính logic, khả thi của phim ảnh) để đảm bảo sự giải trí của bản thân được ở trạng thái trọn vẹn nhất. Nói đơn giản hơn là khi xem phim bạn sẽ bớt bắt bẻ để tập trung tận hưởng bộ phim. Nhưng có lẽ mình không thể không bắt bẻ những lỗi logic rất lớn đó...
II. Cái gì nhiều quá cũng không tốt
Là một người xem phim khá chậm, mình hay bỏ lỡ 1 (vài) tình tiết của bộ phim. Đó là lý do mình có thể xem 1 phim 2-3 lần. Ở lần đầu, mình không hiểu rất RẤT nhiều cảnh phim. Mình biết mình đang nhìn vào hint, biết đạo diễn đang gài trước, nhưng do quá nhiều hint nên khi review, mình đã quên khá nhiều. Ở lần view thứ 2, mình có cơ hội thẩm thấu hết những cái hint đó. Biết được kết quả khiến mình tập trung vào quá trình hơn và thật sự đạo diễn đã có phần tham lam trong phim.
Nếu các bạn chịu khó xem review phim và các mẩu comment phân tích, bạn sẽ thấy bộ phim nói lên RẤT nhiều vấn đề: từ phân biệt giàu nghèo, sự ăn bám, lệ thuộc, sự cả tin, sự bất tài,... đều có trong phim. Mình trân trọng những bộ phim có nhiều tầng lớp ý nghĩa nhưng nhiêu đây thì hơi bị nhiều quá. Mình không nói bộ phim phải làm đơn giản hơn để phù hợp với những người coi phim đại chúng như mình... nhưng như tiêu chí của ông Park - mình tôn trọng sự giới hạn. Đạo diễn gài nhiều đến nỗi quên xài, theo mình, là đã vượt qua giới hạn đó (chi tiết ông dưới hầm morse code với nhóc thổ dân đã đi vào quên lãng).
III. Vẫn là phim nghệ thuật
Cho dù mình có lên án sự phi logic của bộ phim đến đâu thì cũng không thể chối cãi tính nghệ thuật của nó. Ngoài sự thành công về mặt chuyên môn (giải thưởng) và tài chính (doanh thu), bộ phim đã thu hút cả trăm thuyết âm mưu từ những thánh phân tích trên mạng (bao gồm cả mình). Đây chính là định nghĩa của nghệ thuật: tác phẩm của bạn được 100 người giải ra 100 nghĩa khác nhau.
Quanny Nguyen
Comments